Với định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ thông tin, Agribank đã tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0, triển khai các công việc ban đầu để phát triển ngân hàng số, thực hiện chuyển đổi số.
Agribank đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động v.v… mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.
Agribank cũng hợp tác với doanh nghiệp Fintech để triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán,… qua đó cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán hàng ngày (trả tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, chuyển tiền,..) từ điện thoại, máy tính có kết nối Internet mà không cần đến phòng giao dịch ngân hàng; tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.
Mục tiêu nhiệm kỳ 2020- 2025 của Agribank là tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, quản trị ngân hàng hiện đại.
Nhiệm vụ đặt ra với Agribank là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng và phát triển ngân hàng số. Phát triển hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021- 2025, trong đó ưu tiên xây dựng và triển khai các dự án giảm tải cho hệ thống Core banking, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới hệ thống Core banking khi có điều kiện; tăng cường phát triển các phần mềm, ứng dụng gắn với công tác quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh của Agribank hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động theo hướng số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, đảm bảo an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, hạn chế tối đa lỗi hệ thống, đặc biệt là các hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán điện tử. Chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi số và ngân hàng số với lộ trình, bước đi phù hợp.
Agribank cũng cần có chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm chủ công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với hoạt động ngân hàng số, kinh tế số. Đổi mới cơ chế, khuyến khích, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đổi mới chương trình đào tạo nghiệp vụ ngân hàng theo định hướng chiến lược chuyển đổi số, vận hành ngân hàng số, quản trị dữ liệu thông minh phục vụ tối ưu hóa hành trình và trải nghiệm khách hàng trên các điểm tiếp xúc số, cũng như tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ của ngân hàng.
Trong thời gian tới, Agribank mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính có kinh nghiệm, năng lực về quản lý, giám sát hoạt động công nghệ tài chính và ngân hàng số; tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo uy tín về công nghệ tài chính và ngân hàng số, những xu hướng mới cũng như công tác dự báo về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt hoạt động gắn với cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong xử lý công việc; áp dụng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý và đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí công việc, từng người lao động.
Trúc Quỳnh.
Nguồn: agribank.com.vn